Bố Mẹ có hay không nghe bé sơ sinh bị chàm sữa và nghĩ rằng Mẹ phải kiêng sữa Mẹ cho Bé không? Bài viết sau đây dựa trên các nghiên cứu khoa học cung cấp 1 số thông tin để các bậc Cha Mẹ tham khảo nhé!
1.Sữa mẹ có ảnh hưởng như thế nào với bệnh chàm của trẻ ?
– Tổ chức WHO khuyên rằng nên cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời cũng như khi trẻ bắt đầu ăn dặm cho tới khi đạt mốc 2 tuổi. Sữa mẹ có các loại chất như α-tocopherol, β-tocopherol, và prolactin giúp giảm khả năng dị ứng ở trẻ. Theo 18 nghiên cứu từ 1966 đến 2002, trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 3 tháng đầu giúp giảm nguy cơ chàm thể tạng. Rất nhiều nghiên cứu khác cũng chứng tỏ lợi ích của việc bú sữa mẹ hoàn toàn, tốt thiểu là trong 4 tháng đầu đời để ngăn tình trạng chàm thể tạng.
– Tuy nhiên, khi trẻ đã bị chàm, sữa mẹ có làm giảm hoặc thúc đẩy bệnh hay không vẫn còn nhiều tranh cãi. Theo 2 nghiên cứu tại Đan Mạch và Nhật Bản, trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu cho thấy biểu hiện chàm ngày càng nặng hơn. Giả thuyết được đặt ra đó là do trẻ bú mẹ hoàn toàn giảm khả năng tiếp xúc với vi trùng sớm ở trẻ, từ đó hệ miễn dịch chậm phát triển nên không bảo vệ được trẻ khỏi dị nguyên và gây ra biểu hiện chàm.
2.Chế độ ăn của mẹ có ảnh hưởng tới sữa cho bé bú ?
Hiệp hội trẻ em tại Hoa Kỳ khuyên các bà mẹ cho con bú nên tránh các loại thức ăn có nguy cơ gây dị ứng cho đến khi con đạt mốc 2 tuổi.
Nên bổ sung chế độ giàu trái cây, hoa quả, cá nước ngọt, vitamin D và probiotics.
3.Các loại thực phẩm nào có nguy cơ dị ứng ?
– Sữa bò
– trứng
– đậu phộng
– các loại hạt
– lúa mì
– hải sản
– đậu nành
* Các chế phẩm từ sữa như :
– sữa nguyên kem, sữa tách béo, sữa gầy
– bơ, phô mai
– Yogurt
– Kem, gelato
– Half-and-half ( thức uống chứa sữa)
4.Khi nào cho trẻ bắt đầu ăn dặm ?
Theo hiệp hội trẻ em Hoa Kỳ, thời điểm cho trẻ ăn dặm có thể ảnh hưởng tới khởi phát bệnh chàm ở trẻ, vì thế không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm. Thời điểm ăn dặm tốt nhất là từ 4 đến 6 tháng, sữa bò nguyên chất nên sử dụng sau 1 tuổi. Một số nghiên cứu cho thấy sữa thủy phân ( hydrolyzed formula) giảm khả năng dị ứng cho trẻ không dung nạp sữa bò.
5.Triệu chứng khi trẻ dị ứng sữa bò ?
Ngay sau khi uống sữa, trẻ có biểu hiện :
– ngoài da dị ứng như mề đay
– ngứa châm chích quanh môi, sưng môi lưỡi và họng
– các dấu hiệu đường tiêu hóa như nôn ói, rối loạn tiêu hóa,
– ho và khó thở
– nặng nhất : phản ứng phản vệ
6.Dị ứng khác với không dung nạp sữa bò thế nào ?
Hiện tượng “Không dung nạp” sẽ không liên quan tới quá trình miễn dịch như trong “dị ứng”
Biểu hiện của “không dung nạp” chủ yếu là rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, tiêu chảy sau khi trẻ uống sữa.
7.Sữa gì có thể thay thế cho trẻ dị ứng sữa bò ?
Khi trẻ dị ứng sữa bò thì các loại sữa từ các loại động vật có vú khác như dê, sữa cừu cũng có khả năng gây dị ứng. Một số nghiên cứu cho thấy sữa thủy phân ( hydrolyzed formula) giảm khả năng dị ứng cho trẻ không dung nạp sữa bò.
Theo các nghiên cứu của 2 tác giả Osborn và Sinn, so sánh tác dụng của sữa đậu nành và sữa công thức trên diễn tiến bệnh chàm ở 875 trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi, họ cho thấy rằng sữa đậu nành không ngăn ngừa được tình trạng chàm thể tạng như nhiều người nghĩ.
8.Sữa thủy phân là gì ?
Sữa thủy phân sử dụng quá trình lên men để bẻ các protein thành những mảnh nhỏ hơn, từ đó giảm khả năng dị ứng do tiếp xúc với dị nguyên nguyên vẹn. Sữa có thể sử dụng cho trẻ trong 4 – 6 tháng đầu đời.
9.Bổ sung probiotics trong chế độ ăn của mẹ bầu có tác dụng gì ?
Ngày nay, người ta chú ý tới hiệu quả của việc bổ sung probiotics trong chế độ ăn của mẹ trong việc phòng ngừa chàm thể tạng ở trẻ. Trong 1 nghiên cứu tại Thụy Điển, các bà mẹ bổ sung probiotic trong 4 tuần cuối thai kỳ và 3 tháng đầu đời của trẻ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc chàm thể tạng (OR 0.51, 95% CI 0.30 tới 0.87; P = .013). Tuy nhiên, kết quả này không có ý nghĩa thống kê ở trẻ có tiền căn gia đình bị chàm. Việc bổ sung probiotics có thể thay đổi thảm vi khuẩn đường ruột ở trẻ và làm tăng các yếu tố miễn dịch trong sữa mẹ.
Nguồn : BS CK1: Hoàng Liên
Bệnh Viện Da liễu TPHCM
Bộ môn Da liễu ĐHYK Phạm Ngọc Thạch
Đại học Y Dược TPHCM
________________________________________________________
1.Breastfeeding and maternal diet in atopic dermatitis. Tina Y. Lien and Ran D. Goldman, MD FRCPC. Can Fam Physician. 2011 Dec; 57(12): 1403–1405.
2.Update: Can breastfeeding and maternal diet prevent atopic dermatitis? Dermatol Pract Concept. 2017 Jul; 7(3): 63–65.
3.Blattner CM, Murase JE. A practice gap in pediatric: does breast-feeding prevent the development of infantile atopic dermatitis? J Am Acad Dermatol. 2014
4.Osborn DA, Sinn J. Soy formula for prevention of allergy and food intolerance in infants. Cochrane Database Syst Rev. 2004;(3)