TỪ A – Z CÁCH CHĂM BÉ SƠ SINH CHA MẸ CẦN NẰM LÒNG

Trẻ sơ sinh sau khi rời khỏi bụng mẹ sẽ cất tiếng khóc chào đời. Bụng mẹ chính là “ngôi nhà” ấm áp đã bao bọc và nuôi dưỡng mình trong suốt 9 tháng 10 ngày. Lúc này trẻ sẽ phải tập thích nghi với môi trường bên ngoài và sự giúp đỡ của cha mẹ là điều đặc biệt quan trọng đối với trẻ. Trong bài viết sau đây, MEDLATEC sẽ hướng dẫn các bậc phụ huynh cách chăm bé sơ sinh từ A – Z.

1. Cách chăm bé sơ sinh trong tuần đầu đời

Giai đoạn 7 ngày đầu sau sinh là khoảng thời gian đầy thử thách đối với cả cha mẹ và em bé. Đây còn được gọi là thời kỳ chu sinh của trẻ và nếu không được chăm sóc đúng cách thì nguy cơ trẻ bị tử vong là rất cao.

Khi trẻ sơ sinh chưa được đầy tháng thì bé ngủ rất nhiều, gần như chỉ thức dậy khi đói, bị ướt tã hoặc thân nhiệt đang quá nóng hay quá lạnh. Vì vậy trẻ cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ cha mẹ.

Sau đây là một số lưu ý quan trọng dành cho cha mẹ khi chăm sóc em bé sơ sinh trong tuần đầu tiên:

Luôn giữ ấm cho trẻ:

Một trong những điều đầu tiên cha mẹ cần hết sức lưu ý là phải giữ ấm cho trẻ. Nếu trẻ bị lạnh thì sẽ dễ mắc bệnh về đường hô hấp. Trong giai đoạn này trẻ nên được nằm cùng mẹ (nếu sức khỏe của mẹ đã ổn định sau sinh) bởi vì điều này giúp con nhận được hơi ấm trực tiếp từ mẹ, đồng thời làm gia tăng tình mẫu tử và mẹ có thể để mắt đến con mọi lúc, xử lý kịp thời nếu có vấn đề gì xảy ra với con.

Để Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh, Cha Mẹ Cần Chuẩn Bị Mọi Đồ Dùng Cần Thiết

Để chăm sóc trẻ sơ sinh, cha mẹ cần chuẩn bị mọi đồ dùng cần thiết

Cho trẻ ăn đủ sữa:

Khi còn ở trong bụng mẹ, chất dinh dưỡng từ máu của mẹ sẽ được truyền cho con qua nhau thai. Vì vậy khi ra khỏi cơ thể mẹ thì trẻ bị cắt mất nguồn dinh dưỡng này nên sẽ dễ cảm thấy đói, rét, nhu cầu dinh dưỡng sẽ rất cao nhằm để duy trì năng lượng và sưởi ấm cơ thể. Do đó cha mẹ cần phải đảm bảo cung cấp đủ sữa cho bé ăn, đáp ứng kịp thời bất cứ khi nào bé đói.

Đặc biệt trong giai đoạn này, bé cần được bổ sung sữa non (đây là sữa do tuyến vú mẹ tiết ra trong 7 ngày đầu sau sinh). Nhiều người cho rằng dòng sữa non đầu tiên rất loãng, không có dưỡng chất gì thì nên vắt bỏ đi nhưng đây là quan niệm hết sức sai lầm.

Theo các chuyên gia y tế, trong loại  sữa này có chứa hàm lượng chất IgA cao gấp nghìn lần so với sữa thường. Ngoài ra cứ mỗi 1 xen ti mét khối sữa non lại chứa khoảng 4.000 bạch cầu có tác dụng chống lại các hại khuẩn trong đường ruột của trẻ. Khoa học đã chứng minh qua các nghiên cứu thực tế đó là những trẻ được bú sữa non ngay sau khi sinh thì nguy cơ bị tiêu chảy và viêm phổi là rất thấp.

Vì vậy mẹ đừng lãng phí dòng sữa này mà hãy cho con bú ngay sau khi chào đời để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ mẹ nhé!

Chú ý đến các biểu hiện sinh lý ở trẻ:

Trẻ sơ sinh dưới 7 ngày tuổi sẽ có những biểu hiện sinh lý rất bình thường đó là: đi ngoài phân su trong 24 – 48 giờ đầu sau sinh, phân không có mùi, đặc quánh, màu xanh thẫm,… Cha mẹ hãy quan sát nếu quá 2 ngày không thấy trẻ đi ngoài và kèm theo các triệu chứng bất thường khác như: khóc nhiều, hay sặc khi bú, cứng hàm, tím tái, khó thở, ngủ li bì, sốt… thì cần đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe ngay.

Đối với những trẻ bị nhẹ cân sau sinh, sinh non, sinh thiếu tháng nhưng không có biểu hiện gì bất thường thì vẫn cần được chăm sóc, theo dõi tại viện đến khi có quyết định cho ra viện của các bác sĩ. Đồng thời cha mẹ cũng phải tuân theo hướng dẫn chăm sóc trẻ cẩn thận khi về nhà.

2. Cách chăm bé sơ sinh đến khi 1 tháng tuổi

Giai đoạn chu sinh sẽ diễn ra cho tới khi bé được 28 ngày tuổi. Nếu được chăm sóc đúng cách thì nguy cơ tử vong ở trẻ sẽ giảm dần. Vì vậy đây là thời kỳ quan trọng cha mẹ cần phải ghi nhớ những cách chăm sóc bé như sau:

2.1. Chăm sóc trẻ khi ăn

Phản xạ bú của trẻ chính là bản năng nhưng cũng cần sự trợ giúp không nhỏ đến từ cha mẹ. Trong trường hợp cho trẻ ăn không đúng cách rất có thể sẽ khiến trẻ bị nôn trớ, ọc sữa, sai khớp ngậm, ngạt thở rất nguy hiểm.

Đối với những bé ti mẹ trực tiếp thì mẹ cần cho bé ngậm đúng khớp vú. Nếu đầu ti mẹ ngắn trẻ khó hợp tác thì trước mỗi lần cho bé bú, mẹ hãy mát xa bầu ngực, kích thích cho núm vú dài ra. Cho bé bú trực tiếp thường xuyên cũng chính là cách cải thiện tình trạng đầu ti ngắn, tù của mẹ.

Ngoài ra mẹ cũng cần lưu  ý đến tốc độ của tia sữa. Nếu sữa chảy quá mạnh sẽ khiến trẻ dễ bị ọc trớ sữa.

Còn Gì Tuyệt Vời Hơn Khi Trẻ Được Bú Mẹ Trực Tiếp

Còn gì tuyệt vời hơn khi trẻ được bú mẹ trực tiếp

Đối với những trẻ bú bình thì hãy để miệng trẻ ngậm hết đầu ti của bình, đồng thời khi bé ăn cần đảm bảo toàn bộ vùng đầu bình ti được lấp đầy sữa để tránh tình trạng bé nuốt phải nhiều không khí trong khi bú. Sau khi cho trẻ ăn xong, hãy từ từ bế trẻ lên, áp trẻ vào người mình và vỗ ợ hơi cho bé để đẩy không khí thừa trong bụng bé ra ngoài. Khi đặt bé nằm xuống ngủ thì nên để vùng đầu cao hơn thân người một chút hoặc nằm nghiêng để tránh bị trớ sữa ra ngoài. Tuyệt đối không để trẻ nằm trong tư thế úp người xuống.

Khoa học đã chứng minh rằng sữa mẹ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tốt nhất đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Chính vì vậy mẹ nên dành ít nhất 1 năm đầu đời cho bé uống sữa mẹ. Để đảm bảo chất lượng cho dòng sữa, mẹ hãy bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, uống nhiều nước mỗi ngày, cho bé bú hoặc hút sữa đúng cữ để kích thích cơ thể sản xuất sữa đều đặn.

2.2. Tắm rửa và vệ sinh rốn cho trẻ

Trong thời gian đầu trẻ phải mất ít nhất từ 7 – 10 ngày để rụng cuống rốn. Đây cũng là khoảng thời gian vi khuẩn dễ tấn công vào khu vực này của trẻ. Sau khi tắm xong cho bé, cha mẹ hãy sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh rốn rồi lau khô. Đừng băng rốn bé lại mà hãy để nó được thông thoáng.

Thời gian sau cuống rốn sẽ tự rụng ra mà không cần dùng biện pháp can thiệp nào và đây là hiện tượng tự nhiên của cơ thể. Vì vậy cha mẹ đừng bôi bất kỳ thuốc gì lên rốn của bé.

Khi tắm cho trẻ cha mẹ cần chuẩn bị sẵn đầy đủ tã, bỉm, khăn tắm và khăn lau (nên chọn loại được làm từ vải xô, mềm mại, dễ thấm hút), sữa tắm dành cho trẻ, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi,… Nơi tắm cho trẻ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, kín gió. Ngoài ra thao tác khi tắm cũng cần nhẹ nhàng để không làm tổn thương làn da non nớt của trẻ.

2.3. Cho trẻ mặc tã và đội mũ đúng cách

Hãy lựa chọn loại bỉm có độ thấm hút tốt, ít hương liệu, mỏng nhẹ và thông thoáng để trẻ không bị hăm da khi mặc. Ngoài ra nên dùng loại bỉm có vạch báo để bạn biết rằng bỉm của con đã đầy hay chưa. Thời gian thay bỉm nên là khoảng 2 – 3 tiếng/lần và khi bé đi ngoài thì nên thay luôn.

Không nên đội mũ quá nhiều cho trẻ bất kể ngày đêm. Bởi vì khác với người lớn, trẻ em thường thoát nhiệt qua da đầu, đặc biệt là khi đi ngủ khiến mồ hôi toát ra không thoát đi được và trẻ sẽ bị cảm lạnh. Vì vậy cha mẹ đừng bịt kín phần thóp của bé khi ngủ.

Trẻ Sơ Sinh Còn Rất Non Nớt Nên Cần Được Cha Mẹ Quan Tâm Chăm Sóc Cẩn Thận

Trẻ sơ sinh còn rất non nớt nên cần được cha mẹ quan tâm chăm sóc cẩn thận

2.4. Chăm sóc mắt, da, mũi, miệng cho trẻ

  • Đối với làn da: lựa chọn loại sữa tắm, dầu massage, nước giặt quần áo, kem dưỡng ẩm,… dành cho trẻ sơ sinh. Không để da bé tiếp xúc với các chất tẩy rửa và xà phòng thô vì sẽ làm kích ứng da của trẻ;

  • Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt cho trẻ hàng ngày nếu mắt của bé đổ nhiều ghèn;

  • Đối với lưỡi và mũi của bé cũng phải được vệ sinh mỗi ngày bằng rơ lưỡi và dung dịch nước muối sinh lý chuyên dụng.

  • Vì trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm và sức đề kháng yếu ớt, do đó không được để người lớn ôm hôn, sờ tay lên mặt trẻ vì điều này dễ khiến trẻ bị nhiễm các loại vi khuẩn gây hại.

Có thể nói không phải ai cũng biết cách chém bé sơ sinh sao cho khoa học, đúng cách nhất là những người lần đầu làm cha làm mẹ. Ngay cả như ông bà, những người thuộc thế hệ trước đôi khi còn rất bối rối trước việc chăm sóc trẻ nhỏ vì sự khác biệt trong cách nuôi dạy trẻ giữa thời xưa và thời nay. Do vậy người thân trong gia đình khi đón nhận một thành viên mới chào đời hãy dành thêm thời gian để tìm hiểu về cách chăm bé sơ sinh khoa học, từ đó đảm bảo trẻ được phát triển khỏe mạnh trong tương lai.