Dấu Hiệu Chuyển Dạ Sớm

Cần chuẩn bị gì cho thời điểm chuyển dạ sớm

Ngày “khai hoa nở nhuỵ” đã gần kề. Bạn vừa hồi hộp mong ngóng, vừa cảm thấy hân hoan khi cuối cùng đã được trải nghiệm cảm giác tuyệt diệu này. Tuy nhiên, để quá trình sinh nở diễn ra suôn sẻ, bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Bạn nên sớm quyết định về việc sẽ sinh tại nhà, hay sinh ở bệnh; rồi nên sinh thường hay sinh mổ. Nếu muốn có trải nghiệm đặc biệt hơn thì bạn có thể chọn cách sinh dưới nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam hình thức sinh này vẫn còn chưa phổ biến.

Dau Hieu Chuyen Da Som

Nếu chọn sinh ở nhà, bạn cần tìm nữ hộ sinh. Nếu chọn sinh ở bệnh viện, an toàn nhất là chuẩn bị sẵn túi “hành trang” đến bệnh viện sớm trước vài tuần, vì trong thực tế, bạn khó biết được mình sẽ sinh sớm hay muộn hơn ngày dự sinh. Tỉ mỉ hơn, bạn còn phải để ý đến cả chỗ ngồi trong xe hơi để chuẩn bị cho hành trình đưa bé từ bệnh viện về nhà. Nếu bạn có thể “chạy thử chương trình” trước để bảo đảm mọi thứ đã sẵn sang thì thật tuyệt vời.

Đa số sản phụ không biết chắc chắc về thời điểm chuyển dạ. Dù mỗi người đều có những biểu hiện khác nhau, nhưng vẫn có những dấu hiệu sắp sinh chung để chúng ta tham khảo. Thử tìm hiểu xem. Bạn nhớ lưu ý rằng các dấu hiệu chuyển dạ sớm này không loại trừ trường hợp sinh non.

Chuyển dạ có thể kéo dài, nên ban đầu bạn chưa cần nhập viện vội. Đến khi các cơn co thắt diễn ra thường xuyên (cách nhau khoảng 5 phút hoặc ngắn hơn), bạn bị vỡ ối, ra máu thì nên vào bệnh viện ngay lập tức. Ngoài ra, thời điểm trong phòng sinh là thời điểm mà bạn trở nên vô cùng yếu đuối, nên hãy tìm cho mình một người bạn đồng hành – người trợ sinh cùng bạn trải qua giây phút thiêng liêng nhất.

Khai hoa nở nhuỵ – Dấu hiệu chuyển dạ sớm

Bạn sẽ trải qua 3 giai đoạn chuyển dạ như sau:

Giai đoạn 1

Tử cung co bóp càng lúc càng thêm mạnh, các cơn co bóp này trở nên dài hơn, mạnh hơn, lặp lại nhanh hơn. Cổ tử cung sẽ từ từ mở ra.

Khi mới bắt đầu chuyển dạ, chưa khó chịu nhiều, bạn hãy cố gắng nói chuyện, thư giãn, đi lại cho dễ chịu. Bạn cũng cần đi tiểu thường xuyên, đừng để bàng quang đầy quá nhé.

Giai đoạn 2

Cổ tử cung mở trọn vẹn phục vụ cho việc rặn đẻ. Hãy chọn tư thế rặn đẻ dễ dàng nhất. Sau mỗi cơn co, bạn hãy nghỉ và thư giãn để lấy sức. Nếu các cơn co quá dữ dội khiến bạn kiệt sức, tốt nhất hãy nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Giai đoạn 3

Dù đã “mẹ tròn con vuông”, bạn vẫn đang trong giai đoạn 3 của quá trình chuyển dạ. Sau khi bé ra đời, tử cung sẽ tạm ngừng co bóp trong chốc lát rồi sau đó sẽ tiếp tục hoạt động. Nhau thai bong ra khỏi thành tử cung và được đẩy ra ngoài. Thật ra, bạn vẫn có thể nhờ các bác sĩ can thiệp để quá trình này diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn. Khi nhau thai được đẩy hết ra ngoài cũng chính là thời điểm bạn hoàn tất quá trình sinh nở.

 

Trả lời